Lịch sử Nike Zeus

Những nghiên cứu ban đầu về ABM

Những nghiên cứu đầu tiên về việc dùng tên lửa đánh chặn tên lửa liên lục địa được thực hiện bởi Không quân Mỹ vào năm 1946 khi hai dự án (Project Wizard và Project Thumper) được nghiên cứu để giải quyết vấn đề bắn hạ tên lửa đạn đạo V-2.[1] Những dự án này tập trung vào việc giải quyết mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo, đòi hỏi thời gian đánh chặn của hệ thống phải rất nhanh, và phải có khả năng đánh chặn từ khoảng cách lớn. Các hệ thống radar thời kỳ này rất khó để phát hiện tên lửa đạn đạo từ một khoảng cách như vậy, và thậm chí nếu như nó phát hiện được tên lửa thì hệ thống chỉ huy và điều khiển sẽ không thể truyền tải thông tin đến khẩu đội tên lửa đánh chặn kịp thời. Nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo dường như là bất khả thi ở thời điểm đó.[2]

Để có thể đánh chặn ICBM, hệ thống phòng thủ phải có khả năng đánh chặn ở tầm xa. Mặc dù tên lửa ICBM bay với tốc độ rất lớn, nhưng quỹ đạo bay cao của tên lửa ICBM khi chúng còn ở bên ngoài khí quyển khiến việc phát hiện sớm tên lửa ICBM đơn giản hơn và cũng có nhiều thời gian để hệ thống phòng thủ đánh chặn.[2] Cả hai dự án đã được tiếp tục phát triển theo hướng này. Chúng được tiếp tục triển khai bởi Không quân Mỹ sau khi tách khỏi Lục quân Mỹ kể từ năm 1947. Không quân Mỹ đã gặp hạn chế đáng kể về ngân sách và phải hủy bỏ dự án Thumper vào năm 1949 để dành quỹ đầu tư cho chương trình tên lửa đất đối không GAPA. Năm tiếp theo, khoản tài trợ của dự án Wizard cũng được chuyển cho GAPA để phát triển một thiết kế SAM tầm xa mới mà một thập kỷ sau đó sẽ xuất hiện với tên gọi CIM-10 Bomarc. Nghiên cứu về hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM) của Không quân Hoa Kỳ đã bị hủy bỏ, dù chưa chính thức.[2][3]

Tên lửa phòng không Nike II

Dòng tên lửa Nike, với tên lửa Nike B (Nike Zeus) ở phía trước Nike Hercules và Nike Ajax.

Tính đến đầu những năm 1950, Lục quân Hoa Kỳ công bố bắt đầu dự án tên lửa phòng không Nike và Nike B. Những dự án này được tiến hành bởi Phòng thí nghiệm Bell kết hợp với công ty hàng không Douglas.[4]

Lục quân Hoa Kỳ đã liên hệ với đại học Johns Hopkins để xem xét việc phát triển một hệ thống phòng thủ chống tên lửa liên lục địa dựa trên hệ thống tên lửa Nike.[5]Trong khi nghiên cứu này vẫn đang được tiến hành, vào tháng 2 năm 1955, Lục quân Mỹ bắt đầu đàm phán ban đầu với Bell, và vào tháng 3, họ đã ký hợp đồng với nhóm Nike của Bell để bắt đầu một nghiên cứu chi tiết kéo dài 18 tháng về vấn đề thiết lập một hệ thống phòng thủ dựa trên tên lửa MIM-14 Nike Hercules với tên gọi Nike II.[3]

Bell đánh giá có nhiều mối đe dọa với tầm hoạt động khác nhau, từ các máy bay phản lực hiện tại đến các máy bay sử dụng động cơ ramjet tương lai với tốc độ lên đến 3.000 hải lý trên giờ (5.600 km/h), tên lửa đạn đạo tầm ngắn như V-2 có tốc độ tương đương, và tốc độ khi hồi quyển của đầu đạn là 14.000 hải lý trên giờ (26.000 km/h).[6]Phòng thí nghiệm Bell từ đó đưa ra ý tưởng sử dụng một dòng tên lửa phòng không với tầng khởi tốc nhiên liệu rắn của tên lửa MIM-14 Nike Hercules. Về bản chất MIM-14 có thể đánh chặn tất cả các mục tiêu đặt ra bằng cách thay đổi giữa hai tầng tên lửa bên trên; một loại có cánh để sử dụng trong khí quyển chống lại mục tiêu là máy bay, và một loại khác có cánh tiền nghiệm và trang bị động cơ lực đẩy vectơ để đánh chặn mục tiêu ngoài khí quyển.[7]

Cân nhắc về vấn đề đánh chặn ICBM, các nghiên cứu đi đến việc gợi ý phát triển một hệ thống phòng thủ có thể đánh chặn ICBM từ giai đoạn ban đầu. Những nghiên cứu cũng xem xét việc đánh chặn ICBM khi nó đang ở pha giữa, cũng như vào thời điểm ICBM đạt đến điểm cao nhất trong quỹ đạo và đang bay với tốc độ chậm nhất. Tuy nhiên những hạn chế thực tế đã loại bỏ khả năng này, vì nó yêu cầu tên lửa phòng thủ của ABM phải được phóng cùng lúc với ICBM để có thể đánh chặn ở pha giữa và điều này không thể thực hiện được. Việc đánh chặn tên lửa trong giai đoạn cuối, dường như là giải pháp khả thi duy nhất.[8]

Bell quay trở lại nghiên cứu sâu hơn, và nghiên cứu đưa ra vào ngày 4 tháng 1 năm 1956, đã chứng minh sự cần thiết phải đánh chặn các đầu đạn bay tới ở độ cao 100 dặm (160 km), và Bell cho rằng điều này là khả thi đối với một phiên bản nâng cấp của tên lửa Nike B.[9]Có một vận tốc cuối lên đến 5 dặm mỗi giây (18.000 dặm một giờ (29.000 km/h)), kết hợp với thời gian để tên lửa đánh chặn bay tới độ cao của RV, yêu cầu là hệ thống phòng thủ phải phát hiện được đầu đạn RV ở cách xa khoảng 1.000 dặm (1.600 km). Do kích thước tương đối nhỏ của RV và số lượng radar cảnh báo sớm hạn chế, để có thể phát hiện đầu đạn hồi quyển ở khoảng cách này thì yêu cầu radar sẽ phải rất mạnh.[9]

Để đảm bảo tiêu diệt RV, hoặc ít nhất là khiến đầu đạn bên trong nó bị vô hiệu hóa, đầu đạn hạt nhân W31 trên tên lửa đánh chặn sẽ phải được kích hoạt khi nó cách RV vài trăm feet. Với độ phân giải góc của các radar hiện có, điều này làm giảm cự ly đánh chặn của tên lửa. Bell đã cân nhắc đến việc sử dụng đầu dò radar chủ động, giúp cải thiện độ chính xác cho tên lửa đánh chặn khi bay về phía đầu đạn RV, nhưng kích thước thiết kế của đầu dò vẫn còn quá lớn nên không thể thực hiện được.[10]Hệ thống dẫn đường cho tên lửa theo lệnh mà trước đó đã trang bị trên các phiên bản cũ hơn của hệ thống tên lửa Nike dường như là giải pháp duy nhất.[9]

Tên lửa đánh chặn sẽ mất khả năng cơ động khi nó bay ra khỏi bầu khí quyển và các bề mặt khí động học của nó trở nên kém hiệu quả hơn, vì vậy nó sẽ phải được hướng chính xác vào mục tiêu càng nhanh càng tốt. Điều này đòi hỏi hệ thống dẫn đường chính xác phải được phát triển cho cả đầu đạn và tên lửa đang bay ở một tốc độ rất cao khi so với hệ thống tên lửa Nike Zeus B, khi mà người ta có thể cập nhật thông tin về dẫn đường trong khi tên lửa đang bay. Đồng thời cũng đòi hỏi các máy tính mới và radar theo dõi với tốc độ xử lý cao hơn nhiều so với các hệ thống được sử dụng trên Nikes trước đó. Bell gợi ý việc sử dụng bóng bán dẫn như một giải pháp để xử lý dữ liệu.[11]

Sau khi tiến hành chạy 50.000 mô phỏng đánh chặn trên máy tính tương tự, Bell đã gửi lại báo cáo cuối cùng về khái niệm tên lửa đánh chặn Nike vào tháng 10 năm 1956, chỉ ra rằng hệ thống đã đạt độ hoàn thiện ở mức độ cao nhất.[9]

Lục quân và Không quân Mỹ

Lục quân và Không quân Mỹ đã cạnh tranh nhau trong nhiều chương trình phát triển tên lửa chiến lược. Cả hai lực lượng này đều đã có những chương trình phát triển tên lửa cho riêng mình, cả đất đối đất và phòng không, dẫn đến sự trùng lặp, và nhiều người coi đó là sự lãng phí.[12]

Tính đến giữa những năm 1950 một vài chương trình phát triển tên lửa này chỉ đơn giản là nỗ lực cạnh tranh ăn miếng trả miếng. Khi mà Lục quân Mỹ bắt đầu phát triển tên lửa phòng không tầm xa Nike Hercules, Không quân Mỹ đã tuyên bố rằng chúng kém hơn so với tên lửa Bomarc của họ, và Nike Hercules sẽ không thể tạo nên lá chắn phòng không cho nước Mỹ.[13] Khi Lục quân Mỹ phát triển tên lửa đạn đạo Jupiter, Không quân Mỹ lo ngại rằng tính năng của nó sẽ vượt trội hơn so với tên lửa đạn đạo Atlas của mình, do đó Không quân Mỹ bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Thor.[14] Và khi Lục quân Mỹ tuyên bố phát triển hệ thống phòng không Nike II, Không quân Mỹ đã khởi động lại dự án Wizard, lần này là một hệ thống phòng thủ tên lửa chống tên lửa đạn đạo tầm xa có tính năng tốt hơn nhiều so với hệ thống tên lửa Nike Zeus.[15]

Trong một bản ghi nhớ ngày 26 tháng 11 năm 1956, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Charles Erwin Wilson cố gắng kết thúc việc cạnh tranh giữa Không quân và Lục quân Mỹ và chấm dứt tình trạng phát triển các hệ thống tên lửa trùng lặp. Giải pháp của ông là giới hạn tầm hoạt động vũ khí của Lục quân trong phạm vi 200 dặm (320 km), và với vũ khí phòng không là trong phạm vi chỉ 100 dặm (160 km).[16] Bản ghi nhớ cũng đặt ra các giới hạn đối với các hoạt động không quân của Lục quân, hạn chế nghiêm trọng trọng lượng của máy bay trong biên chế Lục quân Mỹ. Do lí do này mà tên lửa ICBM Jupiter vượt quá tầm bắn cho phép theo quy định này nên Lục quân buộc phải chuyển giao chúng sang cho Không quân Mỹ quản lý.[17]

Kết quả là một sự cạnh tranh khác giữa hai lực lượng. ICBM Jupiter đã được thiết kế để trở thành một vũ khí chính xác cao có thể tấn công căn cứ quân sự của Liên Xô ở châu Âu.[18] So sánh với Thor, tên lửa này có độ chính xác rất kém với CEP lên tới vài dặm (mục tiêu của nó là tấn công các thành phố lớn của Liên Xô).[19] Để mất Jupiter, Lục quân Mỹ đã mất đi vai trò là lực lượng tấn công chiến lược. Lục quân Mỹ vẫn được phép phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Zeus để tránh sự phụ thuộc về vũ khí chiến lược quá lớn vào Không quân Mỹ.[20]

Khoảng cách về tên lửa ICBM giữa Liên Xô và Mỹ

Dự đoán số lượng tên lửa liên lục địa của Liên Xô vào tháng 6 năm 1960. Program A: CIA, B: USAF, C: Army & Navy. Số lượng thực tế vào năm 1960 là 4.

Vào tháng 5 năm 1957, Eisenhower giao nhiệm vụ cho Ủy ban Cố vấn Khoa học của Tổng thống Mỹ (PSAC) cung cấp một báo cáo về tính hiệu quả tiềm năng của các hầm trú ẩn bụi phóng xạ và các phương tiện khác để bảo vệ người dân Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Dưới sự chủ trì của Horace Rowan Gaither, nhóm PSAC đã hoàn thành nghiên cứu của mình vào tháng 11 và xuất bản báo cáo vào 7/11 dưới cái tên Deterrence & Survival in the Nuclear Age, ngày nay được gọi là Gaither Report. Sau khi đưa ra chính sách bành trướng đối với Liên Xô, cùng với những gợi ý rằng Liên Xô đang phát triển quân sự mạnh mẽ hơn Mỹ, bản báo cáo cho rằng sẽ có một khoảng cách đáng kể về năng lực hạt nhân vào cuối những năm 1950 do mức chi tiêu.[21]

Trong khi báo cáo vẫn đang được chuẩn bị, vào tháng 8 năm 1957, Liên Xô đã phóng thành công ICBM R-7 Semyorka (SS-6), và tiếp theo là vụ phóng thành công Sputnik 1 vào tháng 10. Trong vài tháng tiếp theo, một loạt các đánh giá tình báo dẫn đến ước tính về lực lượng tên lửa Liên Xô ngày càng tăng. Ước tính Tình báo Quốc gia (NIE) 11-10-57, ban hành vào tháng 12 năm 1957, cho rằng Liên Xô có lẽ sẽ có 10 tên lửa ICBM vào giữa năm 1958. Nhưng sau khi Nikita Khrushchev tuyên bố sản xuất chúng "giống như xúc xích",[22][lower-alpha 1] số lượng tên lửa ước tính đã ngay lập tức tăng lên. Cơ quan ước tính tình báo quốc gia đưa ra dự tính Liên Xô sẽ có 100 ICBM tính đến năm 1960, và đạt được số lượng 500 ICBM đến năm 1961, chậm nhất là năm 1962.[24]

Với các ước tính trong báo cáo của NIE, rõ ràng đã có một khoảng cách về số lượng tên lửa như những gì được dự đoán trong báo cáo của Gaither, điều này khiến Mỹ bắt buộc tập trung nỗ lực vào việc chế tạo tên lửa ICBM SM-65 Atlas. Những tên lửa này sẽ ít có khả năng bị tổn thương trước đòn tấn công hạt nhân của Liên Xô nếu so sánh với các phi đội máy bay ném bom chiến lược. Đặc biệt là ở các phiên bản phóng từ silo ngầm. Nhưng thậm chí nếu như tiến độ sản xuất Atlas được đẩy nhanh, dường như vẫn có một khoảng trống về trang bị tên lửa đạn đạo giữa Mỹ và Liên Xô. Theo như ước tính từ cuối những năm 1950 của NIE, đưa ra quan điểm rằng Liên Xô có nhiều tên lửa ICBM hơn đáng kể so với Mỹ trong giai đoạn 1959 đến 1963. Thời điểm mà cuối cùng Mỹ cũng bắt kịp Liên Xô về số lượng tên lửa đạn đạo.[24]

Chỉ cần vài trăm tên lửa, Liên Xô có thể tấn công tất cả các căn cứ máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ. Với việc không có một hệ thống cảnh báo sớm, một cuộc tấn công phủ đầu của Liên Xô sẽ phá hủy phần lớn các phi đội ném bom chiến lược của Mỹ đang đậu trên mặt đất. Do đó, Mỹ duy trì một phi đội máy bay ném bom chiến lược mang theo vũ khí nhiệt hạch luôn bay tuần trên không, và một lượng nhỏ tên lửa đạn đạo dự trữ trong trang bị, nhưng Liên Xô sẽ huy động toàn bộ phi đội máy bay ném bom khi cuộc tấn công bắt đầu, và phóng nốt số tên lửa ICBM còn dự trữ, nên Liên Xô trong hoàn cảnh này sẽ nắm lợi thế về mặt chiến lược so với Mỹ. Để đảm bảo viễn cảnh này không xảy ra, theo bản báo cáo, Mỹ sẽ cần xây dựng các hệ thống phòng thủ trang bị tên lửa Hercules cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại các căn cứ không quân chiến lược, cùng với đó là trang bị radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo, để kịp thời di tản máy bay trước khi tên lửa đánh trúng căn cứ.[25] Thậm chí nếu hệ thống phòng thủ Zeus không thể đưa vào trang bị kịp ở mốc thời gian này, thì sẽ dùng tên lửa Hercules hoặc phiên bản trên bộ của tên lửa hải quân RIM-8 Talos như là một giải pháp tình thế tạm thời.[26]

Zeus B

Văn phòng dự án phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Nike Zeus của Redstone Arsenal cũng là nơi mà tiến hành các nghiên cứu phát triển ban đầu trên tên lửa Nike.Văn phòng phát triển chương trình Zeus sử dụng biểu tượng trên, trong đó thần Zeus đang bảo vệ con đại bàng Mỹ.

Douglas Aircraft được lựa chọn làm nhà thầu chính để chế tạo tên lửa cho hệ thống Zeus, định danh thiết kế là DM-15. Về cơ bản, đây là một tên lửa MIM-14 Nike Hercules được cải tiến với một tầng đẩy khởi tốc mạnh mẽ hơn thay thế cho cụm bốn động cơ khởi tốc nhỏ hơn ở các tên lửa Hercules nguyên thủy. Tên lửa mới có tầm đánh chặn trong khoảng 100 dặm (160 km). Phiên bản tên lửa mới được dự kiến sẽ phóng thử vào năm 1959. Để đưa tên lửa vào trang bị sớm hơn, người ta dự định sử dụng một loại tên lửa tạm thời, được phát triển dựa trên tên lửa Hercules nguyên bản, nhưng những nỗ lực này đã bị hủy bỏ. Việc sử dụng tên lửa với mục đích phụ như là một hệ thống tên lửa phòng không chống máy bay cũng bị hủy bỏ.[27][lower-alpha 2]

Wilson nghỉ hưu năm 1957, thay thế ông là Bộ trưởng mới, Neil McElroy, nhậm chức ngày 9 tháng 10 năm 1957. McElroy trước đây là chủ tịch của Procter & Gamble,[28] và ông có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý liên bang, cũng trong thời điểm này Liên Xô đưa vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo càng làm cho nhiệm kỳ của ông có nhiều khó khăn hơn.[29]

Ngay sau khi nhậm chức, McElroy đã thành lập một hội đồng để kiểm tra các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Ban hội thẩm đã xem xét các dự án cả Lục quân và Không quân, và nhận thấy chương trình phòng thủ tên lửa Zeus tiên tiến hơn nhiều so với Wizard. McElroy do đó yêu cầu Không quân dừng dự án phát triển tên lửa phòng thủ và sử dụng nguồn quỹ tài trợ của chương trình Wizard để phát triển các radar phát hiện và cảnh báo sớm tầm xa. Những radar này được phát triển dưới dạng một mạng lưới mang tên Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo RCA 474L (BMEWS). Lục quân Hoa Kỳ được quyền tiếp tục phát triển tên lửa đánh chặn cho hệ thống phòng thủ tên lửa với tầm bắn không giới hạn.[30]

Nhóm phát triển đã thiết kế một phiên bản tên lửa lớn hơn nhiều với phần thân trên được mở rộng đáng kể và là tên lửa ba tầng, tăng hơn gấp đôi trọng lượng phóng. Phiên bản tên lửa tăng tầm này có khả năng đánh chặn ở phạm vi 200 dặm (320 km) và độ cao 100 dặm (160 km). Tên lửa được trang bị một tầng đẩy khởi tốc thậm chí còn lớn hơn giúp tên lửa đạt được vận tốc siêu vượt âm trong khi vẫn còn trong tầng khí quyển thấp hơn, do đó cấu trúc thân tên lửa phải được bảo vệ bằng lớp lá chắn nhiệt mài mòn phenolic để không bị nóng chảy.[31][lower-alpha 3]Một vài thay đổi khác là việc kết hợp điều khiển khí động học (sử dụng khi tên lửa còn trong tầng khí quyển thấp) bằng các động cơ điều chỉnh vector lực đẩy, với sử dụng một van phản lực có thể dịch chuyển được cho cả hai vai trò.[32]

Tên lửa mới với định danh DM-15B Nike Zeus B (các phiên bản cũ hơn được ký hiệu bằng chữ A) được tiếp tục phát triển từ ngày 16 tháng 1 năm 1958,[33] cùng ngày với sự kiện Không quân bị buộc dừng mọi công việc phát triển tên lửa Wizard.[26]Vào ngày 22 tháng 1 năm 1958, Hội đồng An ninh Quốc gia đã cấp quyền phát triển Zeus ở mức ưu tiên cao nhất.[34][35] Các nguồn kinh phí bổ sung đã được yêu cầu cho chương trình Zeus với mục đích đưa vào hoạt động vào quý IV năm 1962, nhưng khoản đầu tư này không được chấp nhận dẫn đến chậm triển khai tên lửa và tên lửa chỉ được triển khai vào năm 1963.[36]

Tỉ lệ chi phí ICBM/ABM và các vấn đề khác

Với việc McElroy lên nhậm chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng, quyết định của ông vào năm 1958 đã thay đổi đáng kể chương trình phát triển Nike Zeus. Tướng Lục quân Mỹ James M. Gavin đã đưa ra tuyên bố rằng Zeus sẽ sớm thay thế các phi đội máy bay ném bom chiến lược would soon replace strategic bombers as the nation's main deterrent. In response to this turn of events, the Air Force với vai trò răn đe hạt nhân chính của quốc gia. Để đáp lại, Không quân Mỹ đã tiến thêm một bước trong chính sách của mình bằng các nỗ lực phát hành báo chí chống lại Quân đội, cũng như kích động hậu trường trong Bộ Quốc phòng.[37]

Là một phần trong chương trình nghiên cứu Wizard, Không quân đã phát triển một công thức so sánh chi phí của ICBM với ABM cần thiết để bắn hạ nó. Công thức, sau này được gọi là tỉ lệ chi phí tấn công-phòng thủ. Công thức này tính bằng tỉ số giữa chi phí sản xuất 1 tên lửa ICBM/chi phí sản xuất tên lửa đánh chặn ABM. Và phần lớn trong các trường hợp, tỷ lệ này luôn có lợi cho bên tấn công, hay chi phí sản xuất ICBM luôn thấp hơn chi phí cho tên lửa đánh chặn ABM. Trong quá trình phát triển Wizard, Không quân Mỹ đã nhận ra điều này nhưng đã lờ đi. Nhưng khi Lục quân Mỹ được độc quyền phát triển tên lửa đánh chặn cho hệ thống ABM, Không quân Mỹ đã đệ trình nó lên Bộ trưởng Mc Elroy.

Một báo cáo xuất bản ngày 2/4/1958 của nhóm RBIG với William E. Bradley, Jr. đứng đầu-một nhóm nằm trong nhóm tư vấn chính phủ của Gaither đang nghiên cứu vấn đề vượt qua hệ thống phòng thủ ABM của Liên Xô, tuyên bố rằng việc vượt qua một hệ thống ABM của Liên Xô sẽ không khó. Đề xuất chính của nhóm nghiên cứu này là sử dụng tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn con nhằm mục tiêu độc lập (MIRV) để tấn công. Do có nhiều đầu đạn con, hệ thống ABM sẽ cần ít nhất một tên lửa đánh chặn cho mỗi đầu đạn con. Và gây quá tải cho hệ thống phòng thủ, trong khi Mỹ không cần phải có quá nhiều tên lửa đạn đạo. Do đó số lượng tên lửa ABM luôn cần lớn hơn số lượng ICBM mới, dẫn đến việc chi phí sẽ luôn có lợi cho bên tấn công. Từ đó đã có nhiều ý kiến chống lại sự phát triển của ABM trong hai thập kỷ kế tiếp.[38]

Xoay quanh lập luận này, RBIG gửi báo cáo cho McElroy và đồng ý với Không quân Mỹ về sự không hiệu quả của hệ thống ABM về chi phí.[38] Nhưng sau đó họ tiếp tục xem xét bản thân hệ thống Zeus và lưu ý rằng việc sử dụng các radar điều khiển cơ học, với một radar trên mỗi tên lửa, có nghĩa là Zeus chỉ có thể phóng một số lượng nhỏ tên lửa cùng một lúc. Liên Xô cũng có đầu đạn MRV, dù chỉ một ICBM cũng sẽ mang theo nhiều đầu đạn bay cùng lúc đến mục tiêu, và Zeus đơn giản là sẽ không có thời gian để chặn được tất cả các đầu đạn. Theo như tính toán, chỉ cần bốn đầu đạn bay đến mục tiêu trong vòng một phút thì một trong số chúng vẫn bắn trúng căn cứ phòng thủ Nike Zeus trong 90% thời gian.[39]Vì vậy, một hoặc hai tên lửa của Liên Xô sẽ phá hủy được tất cả 100 tên lửa phòng thủ Zeus tại căn cứ. RBIG lưu ý rằng "chi phí cần thiết cho một hệ thống phòng thủ tên lửa chủ động cần có tốc độ phản ứng và tốc độ đánh chặn cao để đánh chặn nhiều đầu đạn con xuất hiện gần như đồng thời, có thể sẽ rất cao". Nhóm nghiên cứu cho rằng một hệ thống ABM như Zeus là không khả thi.[40]

Dự án Defender

Herbert York là người đã đi đầu trong nghiên cứu khái niệm phòng thủ tên lửa, về sau ông cũng là người phản đối triển khai hệ thống này.

Câu trả lời của Bộ trưởng McElroy dành cho nhóm RBIG theo hai cách. Đầu tiên, ông sử dụng nhóm ARPA mới thành lập kiểm chứng báo cáo của RBIG. ARPA, đứng đầu là Herbert York, đã đưa ra bản báo cáo khác đồng ý với quan điểm trước đó của nhóm RBIG.[38]Khi nhận bản báo cáo của York, McElroy giao cho ARPA nghiên cứu về dài hạn giải pháp cho việc phòng thủ chống tên lửa ICBM, tìm kiếm một hệ thống phòng thủ có thể giải quyết vấn đề về tỉ lệ chi phí tấn công/phòng thủ.[41]

ARPA thực hiện Project Defender, ban đầu là dự án xét tới một loạt các khái niệm mới như vũ khí chùm hạt, Laser và một hạm đội tên lửa đánh chặn đặt trên quỹ đạo, mà sau này được biết đến dưới cái tên Project BAMBI. Tháng 5 năm 1958, York bắt đầu cộng tác với Lincoln Labs-phòng thí nghiệm radar thuộc Học viện công nghệ Massachusett, để bắt đầu nghiên cứu cách phân biệt đầu đạn hạt nhân giữa các mồi bẫy bằng radar hoặc các công cụ khác tương tự. Dự án này mang tên Pacific Range Electromagnetic Signature Studies, hoặc dự án PRESS.[42]

Thêm nhiều vấn đề

Những nghiên cứu của Hans Bethe cùng với PSAC dẫn đến tiêu đề bài báo nổi tiếng trên tờ Scientific American vào năm 1968, phác thảo những trở ngại chính gặp phải trong việc phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Giữa những cuộc tranh cãi về khả năng của hệ thống Zeus, Mỹ tiến hành thử nghiệm tên lửa phòng thủ ở độ cao lớn, lần lượt là Hardtack Teak ngày 1/8/1958, và Hardtack Orange ngày 12/8. Buổi thử nghiệm cho thấy nhiều hiệu ứng chưa được biết tới trước đó, nổi bật nhất là khi quả cầu lửa sau khi tên lửa phát nổ phát triển đến một kích thước rất lớn, và làm cho toàn bộ không khí bên trong và bên dưới quả cầu lửa trở nên mờ đục với radar, sau này hiệu ứng này được gọi là nuclear blackout. Đây là một trở ngại đáng kể đối với các hệ thống phòng thủ như Zeus, khi mà nó sẽ không thể theo dõi đường đi của đạn đạo bên trong hoặc phía sau quả cầu lửa hạt nhân, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân của tên lửa đánh chặn.[43]

Bên cạnh đó, radar của Zeus không thể phân biệt được các mục tiêu đầu đạn thực giữa các các thiết bị phản xạ radar được phóng cùng các đầu đạn. Vấn đề này lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1958 trong các cuộc nói chuyện công khai đề cập đến việc Zeus không có khả năng phân biệt mục tiêu.[44] Nếu như các đầu đạn giả tách ra xa hơn so với phạm vi sát thương của đầu đạn của Zeus, sẽ yêu cầu phải có một số phương tiện đánh chặn để đảm bảo đầu đạn thật lẫn trong đám mồi bẫy phải được tiêu diệt.[45] Mồi nhử có khối lượng nhẹ hơn, do đó sẽ bị giảm tốc độ nhanh hơn khi chúng thâm nhập vào bầu khí quyển, giúp cho việc phân biệt dễ dàng hơn. Nhưng lúc này đã quá muộn để tên lửa đánh chặn Nike Zeus có thể bay lên tới độ cao đánh chặn.[45]

Năm 1959, Bộ quốc phòng đã yêu cầu thêm một nghiên cứu dựa trên hệ thống Zeus cơ bản, lần này là bởi PSAC. Nhóm nghiên cứu PSAC được thành lập bao gồm các nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực tên lửa, hạt nhân, bao gồm Hans Bethe, người đã từng làm việc trong dự án Manhattan và sau đó là tham gia vào phát triển bom nhiệt hạch, Wolfgang Panofsky, giám đốc phòng thí nghiệm vật lý năng lượng cao tại đại học Stanford, và Harold Brown, giám đốc phụ trách lĩnh vực vũ khí, Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore. Báo cáo của PSAC cũng gần giống như của RBIG. Họ khuyến nghị rằng không nên phát triển thêm hệ thống phòng thủ Zeus.[38]

Xuyên suốt quá trình phát triển, Zeus là chủ đề cho những tranh cãi giữa báo chí và quân đội. Thậm chí cả khi nó đã được bắt đầu thử nghiệm, không có gì tỏ rõ là nó có được phát triển tiếp hay không.[31] Bộ trưởng quốc phòng McElroy (1957–59) và Thomas S. Gates, Jr. (1959–61), không tin rằng hệ thống như vậy đáng để đầu tư. Eisenhower thì nghi ngờ tính khả thi của việc trang bị hệ thống ABM vào những năm 1960.[46] Edward Teller cũng là người phản đối hệ thống này.[47]

Kennedy và Zeus

Tổng thống John F. Kennedy là người quan tâm tới các cuộc thảo luận về hệ thống Zeus, ông cũng là người am hiểu về hệ thống này.

John F. Kennedy đã chiến thắng trong cuộc bầu cử nhờ lý lẽ cho rằng Eisenhower tỏ ra yếu kém trong việc tổ chức phòng thủ cho nước Mỹ và cũng không có giải pháp lấp đầy chênh lệch số lượng ICBM giữa Liên Xô và Mỹ.[24][lower-alpha 4]Sau khi giành chiến thắng trong kỳ bầu cử diễn ra vào năm 1960, ông đã nhận được nhiều cuộc gọi thúc giục tiếp tục phát triển hệ thống Zeus, đa phần là từ Lục quân Mỹ. Lục quân Mỹ cũng cố tình phổ biến các hợp đồng của Zeus trên 37 tiểu bang để giành được nhiều hỗ trợ chính trị và từ các ngành công nghiệp nhất có thể, đồng thời quảng cáo trên các tạp chí đại chúng lớn như Life và The Saturday Evening Post để quảng bá hệ thống phòng thủ Zeus.[49]

Kennedy sau đó chỉ định tướng Lục quân Maxwell D. Taylor giữ chức Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên quân. Tướng Taylor, cũng giống như nhiều tướng trong Lục quân khác, là người ủng hộ mạnh mẽ cho chương trình Zeus. Kennedy và Taylor ban đầu dự định xây dựng hệ thống Zeus với bảy mươi khẩu đội tên lửa cùng với 7.000 tên lửa đánh chặn. McNamara ban đầu cũng tỏ ra hứng thú với hệ thống này, nhưng theo ông chỉ nên triển khai hệ thống với số lượng nhỏ hơn, là mười hai khẩu đội tên lửa cùng với 1.200 tên lửa đánh chặn. Jerome Wiesner, giáo sư kỹ thuật điện và là cố vấn của tổng thống Kennedy, đưa ra báo cáo năm 1959. Ông là người đã giảng cho Kenedy về các vấn đề kỹ thuật tồn tại của hệ thống Zeus, đồng thời cũng thảo luận với David Bell, phụ trách vấn đề ngân sách, về ngân sách quá lớn để phát triển hệ thống này.[50]

Kennedy bị cuốn hút bởi cuộc tranh luận về hệ thống phòng thủ Zeus, cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học, một bên ủng hộ, một bên thì chống lại hệ thống này. Ông nhận xét với Wiesner, "Tôi không hiểu. Các nhà khoa học được cho là những người có lý trí. Làm thế nào có thể có sự khác biệt như vậy về một vấn đề kỹ thuật?".[51]Do vậy Kennedy đã tự mình tìm hiểu về hệ thống này và biên soạn nhiều tài liệu về hệ thống Zeus. Trong một cuộc gặp với Edward Teller, Kennedy đã chứng minh rằng ông biết nhiều về Zeus và ABM hơn Teller.[52]Áp lực phải đưa ra quyết định đã tăng lên đến mức Kennedy cảm thấy hệ thống phòng thủ Nike-Zeus nổi lên là một vấn đề quan tâm duy nhất của quốc gia.[51]

Việc sử dụng vệ tinh gián điệp chụp ảnh không phận Liên Xô (chương trình vệ tinh gián điệp Corona) vào tháng 8 năm 1960 và cuối năm 1961 cho thấy rằng Mỹ vẫn dẫn trước Liên Xô về số lượng tên lửa đạn đạo trong trang bị.[53] Theo các báo cáo tình báo mới nhất xuất bản năm 1961, thì Liên Xô không có nhiều hơn 25 tên lửa đạn đạo ICBM, và không có khả năng chế tạo thêm trong thời gian ngắn.[54] Con số thực tế mà sau này người ta biết được là 4 tên lửa đạn đạo.[55]

Tuy nhiên Zeus vẫn tiếp tục trên đà triển khai. Vào ngày 22 tháng 9 năm 1961, McNamara đã phê duyệt tài trợ phát triển hệ thống Zeus, và phê duyệt việc triển khai ban đầu hệ thống Zeus để bảo vệ mười hai khu vực đô thị được lựa chọn. Những đô thị này là Washington/Baltimore, New York, Los Angeles, Chicago, Philadelphia, Detroit, Ottawa/Montreal, Boston, San Francisco, Pittsburgh, St. Louis, và Toronto/Buffalo. Tuy nhiên, việc triển khai sau đó đã bị đảo lộn, và vào tháng 1 năm 1962, chỉ có quỹ phát triển được giải ngân.[56]

Nike-X

Bài chi tiết: Nike-X

Năm 1961, McNamara đồng ý tiếp tục cấp vốn phát triển FY62, nhưng từ chối thêm khoản tài trợ cho việc chế tạo hệ thống.

Việc phát triển thành công [của Zeus] có thể buộc kẻ xâm lược phải tiêu tốn thêm nguồn lực để gia tăng lực lượng ICBM của mình. Nó cũng làm các kẻ thù tiềm tàng khó có thể ước tính chính xác khả năng phòng thủ của chúng ta hơn, và cản trở các cuộc tấn công hạt nhân của chúng. Hơn nữa, sự bảo vệ mà nó sẽ cung cấp, ngay cả khi chỉ dành cho một phần dân số của chúng ta, sẽ tốt hơn là không có một hệ thống bảo vệ nào...
Vẫn còn đó sự không chắc chắn của tính khả thi về mặt kỹ thuật của hệ thống phòng thủ tên lửa, và ngay cả khi được phát triển thành công, vẫn còn nhiều vấn đề vận hành nghiêm trọng chưa được giải quyết. Bản thân hệ thống này rất dễ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo và hiệu quả của nó có thể bị suy giảm do kẻ địch sử dụng các ICBM tiên tiến có kèm theo các mồi nhử. Việc không thể chặn tất cả các mục tiêu là điều có thể dự đoán trước do giá thành chế tạo ICBM ngày càng rẻ hơn và dễ sản xuất hơn. Cuối cùng, hệ thống Zeus là một hệ thống phòng thủ đắt đỏ so với mức độ bảo vệ mà nó mang lại[57]

Tìm kiếm một giải pháp tạm thời, McNamara một lần nữa tham khảo ARPA, yêu cầu nghiên cứu sâu hơn về hệ thống Zeus. Cơ quan này đã viết một báo cáo tháng 4 năm 1962 đưa ra 4 phiên bản. Phiên bản đầu tiên là hệ thống Zeus ở tình trạng hiện tại, phác thảo vai trò của nó trong các tình huống chiến đấu khác nhau. Ví dụ, Zeus có thể được sử dụng để bảo vệ các căn cứ SAC, do đó Liên Xô sẽ phải sử dụng nhiều ICBM hơn để tấn công các căn cứ. Đồng nghĩa với sẽ giảm áp lực cho các mục tiêu khác. ARPA cũng đề xuất việc bổ sung các máy tính và radar mảng quét điện tử thụ động mới cho Zeus, cho phép nó tấn công hàng chục mục tiêu cùng lúc trên một khu vực rộng lớn hơn. Trong ý tưởng cuối cùng của mình, ARPA đề xuất thay thế Zeus bằng một loại tên lửa tầm ngắn, tốc độ rất cao mới được thiết kế để đánh chặn đầu đạn ở độ cao thấp tới 20.000 feet (6,1 km), khi đó sẽ đảm bảo tiêu diệt toàn bộ các đầu đạn.[58]Khái niệm cuối cùng này sau này đã trở thành hệ thống phòng thủ tên lửa Nike-X.[59]

Hoàn hảo hoặc không gì cả

Robert McNamara cho rằng một hệ thống như Zeus quá tốn kém và không thực sự hiệu quả.Dan Flood phản bác lại ý kiến của MacManara, ông cho rằng, có một hệ thống phòng thủ vẫn tốt hơn là không có hệ thống nào.

Khi công việc về Nike-X bắt đầu, các quan chức quân sự và dân sự cấp cao bắt đầu thúc giục việc triển khai Zeus như một hệ thống tạm thời bất chấp những vấn đề đã biết. Họ lập luận rằng hệ thống có thể được nâng cấp tại chỗ khi các công nghệ mới đã sẵn sàng. McNamara phản đối việc triển khai sớm, trong khi Dân biểu Daniel J. Flood là người nhiệt tình ủng hộ sớm triển khai Zeus.[60]

Lập luận của McNamara để phản đối việc triển khai Zeus dựa trên hai vấn đề chính. Một là sự kém hiệu quả rõ ràng của hệ thống, và đặc biệt là tỷ lệ lợi ích/chi phí của nó so với các phương án khác. Ví dụ, những hầm trú ẩn bụi phóng xạ sẽ cung cấp sự bảo vệ cho nhiều người Mỹ hơn với số tiền bỏ ra ít hơn.[61]

Ước tính rằng một hệ thống hầm trú ẩn với chi phí 2 tỷ đô la sẽ cứu sống. Chi phí trung bình để bảo vệ mạng sống của một người dân trung bình là $ 40.00. Một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ước tính sẽ cứu được khoảng 27,8 triệu sinh mạng nhưng sẽ tiêu tốn khoảng 18 tỷ USD. Chi phí bảo vệ mạng sống của một người dân trong trường hợp này sẽ là khoảng 700 đô la. [Sau đó, ông nói thêm] Cá nhân tôi sẽ không bao giờ đề xuất một chương trình phòng thủ tên lửa ICBM trừ khi có một chương trình bụi phóng xạ đi kèm với nó. Tôi tin rằng ngay cả khi chúng ta không có một hệ thống tên lửa chống ICBM, chúng ta vẫn nên tiếp tục với việc xây hầm trú ẩn bụi phóng xạ.[61]

Trớ trêu thay, vấn đề thứ hai lại xuất hiện do lo ngại về hệ thống ABM của Liên Xô. Các loại ICBM SM-65 Atlas và SM-68 Titan hiện có của Hoa Kỳ đều sử dụng các đầu đạn hồi quyển với mũi cùn làm chậm tốc độ bay của đầu đạn khi chúng đi vào tầng khí quyển thấp hơn và khiến chúng tương đối dễ bị đánh chặn. Trong khi tên lửa đạn đạo ICBM LGM-30 Minuteman có đầu đạn hồi quyển dạng mũi nhọn nên có tốc độ bay cao hơn nhiều và khoang đầu đạn của nó có thêm mồi nhử gây khó khăn hơn cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Liên Xô trong việc đánh chặn. Điều này sẽ đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ. McNamara là người ủng hộ chương trình tên lửa Minuteman, mặc dù ông chưa từng nói điều này.[62]

Hủy bỏ dự án và khoảng trống về hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo ABM

Tính đến năm 1963, McNamara đã thuyết phục được Kennedy rằng không cần thiết phải triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ICBM Zeus.[63] Những lo ngại về chi phí và tính hiệu quả của hệ thống Zeus, cũng như các vấn đề mới về mồi nhử và kích thước tấn công, đã dẫn đến việc McNamara quyết định hủy bỏ chương trình Zeus vào ngày 5/1/1963.[45][64]Thay vào đó là tiếp tục dự án phát triển hệ thống Nike-X.[65]Nike-X cũng được phát triển tại văn phòng thiết kế của Nike Zeus cho đến khi nó đổi tên thành Nike-X ngày 1/2/1964.[64]

Trong khi báo cáo với Hội đồng vũ trang thượng viện Mỹ vào tháng 2, McNamara lưu ý rằng hệ thống phòng thủ ABM của Liên Xô sẽ triển khai vào năm 1966, còn hệ thống Nike-X sẽ không thể triển khai trước năm 1970. Từ đó đã tạo nên một "khoảng trống về vấn đề phòng thủ". Do đó, Strom Thurmond đã cố gắng triển khai hệ thống Zeus đã có sẵn như là một hệ thống phòng thủ tạm thời trước khi Nike-X đi vào trang bị.[66]

Ngày 11/4/1963, Thurmond lãnh đạo Quốc hội trong nỗ lực kêu gọi tài trợ cho việc triển khai Zeus. Trong phiên họp kín đầu tiên của Thượng viện sau 20 năm, Zeus đã được thảo luận và quyết định được đưa ra là tiếp tục phát triển Nike-X theo kế hoạch mà không triển khai Zeus.[65]Lục quân Mỹ vẫn tiếp tục chương trình thử nghiệm cho đến tháng 12 năm 1964 tại Bãi thử nghiệm tên lửa White Sands, và tháng 5 năm 1966 tại Bãi thử nghiệm tên lửa Kwajalein.[67]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nike Zeus https://archive.org/details/originsofsdi19440000ba... http://www.alternatewars.com/WW3/WW3_Documents/ABM... https://books.google.com/books?id=KEvkvpHrLboC https://books.google.com/books?id=yHPoYKxRHLYC https://web.archive.org/web/20150713192027/http://... http://missilethreat.wpengine.netdna-cdn.com/wp-co... https://fas.org/rlg/03%2000%201968%20Bethe-Garwin%... https://ui.adsabs.harvard.edu/abs/1968SciAm.218c..... http://dspace.mit.edu/bitstream/handle/1721.1/1457... https://books.google.com/books?id=yJXu7kMSc44C